Trang chủ / Hệ thống phòng khám đa khoa vệ tinh – CNC trực thuộc trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao của Bệnh viện Phổi Trung Ương hoạt động theo mô hình Bác sỹ gia đình / Giới thiệu mô hình hoạt động Phòng khám bác sỹ gia đình ở Việt Nam
Trang chủ / Hệ thống phòng khám đa khoa vệ tinh – CNC trực thuộc trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao của Bệnh viện Phổi Trung Ương hoạt động theo mô hình Bác sỹ gia đình / Giới thiệu mô hình hoạt động Phòng khám bác sỹ gia đình ở Việt Nam
Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Giai đoạn 2013 – 2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Giai đoạn 2015 – 2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc.
Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được hình thành và phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Theo các nghiên cứu gần đây, phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Hiện nay, Bộ Y tế đã phân công và chỉ đạo các vụ, cục chức năng xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Bác sỹ gia đình. Trong đó, có việc xây dựng quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bác sỹ gia đình; mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình với trạm y tế và bệnh viện tuyến trên; đưa ra cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn của bác sỹ gia đình; đào tạo bác sỹ gia đình, cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ gia đình…. Khi đó, đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu chăm sóc khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Điều này rất thiết thực, người dân không phải đi xa và đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài khám, chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe.